Với kinh nghiệm của Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh rằng “cần phải tăng cường giáo dục giới tính cho giới trẻ và mở rộng tiếp cận với sức khoẻ sinh sản có chất lượng, và ngăn ngừa bất bình đẳng giới, nhất là trong bối cảnh nghị trình phát triển hậu 2015”.
Điển hình, Việt Nam đã gặp phải những biến động về nhân khẩu học như già hóa dân số, di dân, đô thị hóa, mất cân bằng giới tính khi sinh... và đã không ngừng tích cực sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các chính sách, luật pháp để đáp ứng. Liên tục tăng cường hệ thống y tế để đảm bảo quyền tiếp cận phổ cập các dịch vụ sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, đặc biệt đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo vùng sâu, vùng xa, dân di cư. Mở rộng và nâng cao chất lượng mạng lưới dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục thân thiện với vị thành niên.
Trong suốt 20 năm qua cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, tình hình y tế của Việt Nam, đặc biệt là vấn đề giáo dục giới tính, sức khoẻ sinh sản đã được cải thiện đáng kể. Với tiến trình khả thi như hiện nay, Việt Nam sẽ là một trong số ít các nước đang phát triển trên thế giới đạt được “Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ” (MDGs) số 4 và 5 đến năm 2015.
Bộ trưởng Bộ Y tế và đoàn đại biểu tham dự Đại hội đồng LHQ
Cùng ngày, Đoàn đại biểu Việt Nam đã gặp và làm việc với Ban Lãnh đạo Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc (UNICEF) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA).
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá cao sự hỗ trợ quý báu của UNFPA cho Việt Nam trong hơn 30 năm qua và mong UNFPA tiếp tục giúp đỡ Việt Nam xử lý các vấn đề dân số mới nảy sinh như: mất cân bằng giới tính khi sinh, già hóa dân số, tận dụng cơ hội dân số vàng…
Bình luận của bạn